Những “nữ hoàng” đầy quyền uy trên thương trường Việt Nam

Chẳng những sở hữu khối tài sản khổng lồ mà những người phụ nữ quyền lực này còn có tầm ảnh hưởng trên thương trường Việt Nam, đang ngày đêm đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam những doanh nghiệp vững mạnh.

nhung bong hong quyen luc tren thuong truong viet nam

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo Tổng giám đốc Vietjet được biết đến là CEO nữ ít ỏi trong ngành hàng không thế giới.

Trong một lần phỏng vấn báo chí, bà Thảo chia sẻ: “Hoài bão của Vietjet là ra đời với sứ mệnh mang đến ngày càng nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. Chúng tôi khát khao làm một cuộc cách mạng về phương tiện đi lại cho người dân Việt Nam, đóng góp phát triển ngành Hàng không Việt Nam vươn tầm quốc tế”.

Thực tế, theo thống kê của Cục Hàng không VN, vận chuyển hàng không nội địa 6 tháng đầu năm 2015 của toàn ngành tăng trưởng hơn 26% và Vietjet đã đóng góp 70% vào mức tăng trưởng vận chuyển hàng không nội địa.

Ngoài vai trò tại Vietjet, hiện bà Thảo cũng tham gia quản trị nhiều công ty lớn khác tại Việt Nam và nước ngoài như Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings – tập đoàn đầu tư đa ngành, HDBank…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung

Bà Mai Kiều Liên – Nữ tướng hiếm hoi của ngày nay

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 trên đất Pháp. Năm 1976, bà tốt nghiệp Đại học chuyên ngành về chế biến thịt và sữa tại Matxcơva, Nga.

Ngay sau khi cầm tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa, bà trở về Việt Nam phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk).

Trải qua khá nhiều vị trí từ kỹ sư công nghệ, trợ lý giám đốc, Phó giám đốc thì đến năm 1992, bà Kiều Liên chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk cho đến nay.

Hơn 20 năm chèo chống Vinamilk, những gì bà Mai Kiều Liên làm được khiến nhiều người phải nể trọng. Dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất tại Việt Nam. Hiện tại, vốn hóa của Vinamilk khoảng 157.000 tỉ đồng.

Người ta ví bà như một vị “nữ tướng” giản dị của ngành sữa, luôn mang trong mình những hoài bão, chiến lược cho “một cuộc cách mạng trắng” ở Việt Nam.

Tạp chí Nikkei nhận định: “Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại châu Á. Vinamilk đã đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam thấy được sự cần thiết của những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Hiện nay công ty cũng đang tiến hành đầu tư phát triển vươn ra tầm quốc tế”.

Bà Mai Kiều Liên – Nữ tướng hiếm hoi của ngày nay

Bà Thái Hương – “Người đàn bà sữa tươi”

Năm 2009, bà Thái Hương, 57 tuổi, bước vào kinh doanh sữa và tuyên bố sẽ thay đổi bản chất ngành công nghiệp này ở Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sản xuất sữa nước.

Kể từ đó, tập đoàn TH đã chi 450 triệu USD nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất sữa tươi sử dụng công nghệ của Israel. Hiện, TH True Milk nuôi 45.000 bò sữa với hơn 22.000 con cho sữa, cho năng suất sữa bình quân 40 lít/ con/ ngày được nuôi trong trang trại tập trung và khép kín.

Năm 2015, doanh thu của TH chiếm 50% thị phần sữa tươi tại Việt Nam. Trang trại TH tại Nghệ An đã đạt kỷ lục là trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á, sản phẩm của bà đạt nhiều giải thưởng chất lượng trong nước…

“Nếu làm sữa với chất lượng khác, chúng tôi sẽ đạt điểm hoà vốn và có lãi nhanh hơn, nhưng điều đó không đúng với mong ước của tôi là làm những ly sữa thực sự tươi và sạch cho người Việt Nam. Thời gian đạt điểm hoà vốn của TH True Milk có thể kéo dài tới 7- 9 năm nhưng sau đó thương hiệu sẽ phát triển bền vững cùng với người dân Việt Nam”, bà Thái Hương tâm sự.

Bà Thái Hương – “Người đàn bà sữa tươi”

“Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc

Không xuất hiện trong top những người giàu nhất sàn chứng khoán, tuy nhiên, bà Huỳnh Bích Ngọc lại là một nữ doanh nhân rất quyền lực, có trong tay rất nhiều doanh nghiệp lớn ngành mía đường.

Hiện bà Ngọc là Chủ tịch CTCP Sản xuất – Thương mại Thành Thành Công. Vốn điều lệ của Thành Thành Công là 1.000 tỷ đồng. Ban đầu, Thành Thành Công chủ yếu làm phân phối. Với tiềm lực tài chính của mình và quá trình cổ phần hóa các DN nhà nước, Cty đã tiến hành đầu tư vào nhiều DN sản xuất mía đường khác.

Những DN mía đường mà tổ hợp Thành Thành Công nắm quyền chi phối hoặc có ảnh hướng lớn gồm có Bourbon Tây Ninh (SBT), Đường Ninh Hòa (NHS), Đường Biên Hòa (BHS), Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), Mía đường 333 (S33), Mía đường Phan Rang, La Ngà…

Bên cạnh lĩnh vực mía đường, Thành Thành Công còn đầu tư vào Dịch vụ Du lịch, BĐS và Đầu tư tài chính, hình thành một tập đoàn đa ngành nghề.

Nữ doanh này từng chia sẻ: Dù thành đạt đến đâu, ở vị trí nào trong xã hội, nhưng trong gia đình người vợ vẫn phải “thấp” hơn chồng một bậc.

“Nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Người đàn bà thép và những chiến lược táo bạo

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà Nguyễn Thị Mai Thanh ra nhập Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE) với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành Phó giám đốc đến tháng 7/1987 và chính thức trở thành Giám đốc vào 1993.

Hiện tại, bà Thanh là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình là thành viên HĐQT (trong tổng số 5 người) và là giám đốc tài chính REE.

REE dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đôla.

Bà Mai Thanh đang hướng REE đến mô hình Cty Holdings – sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong ba lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước) tại Việt Nam.

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty REE, nhận xét về nữ doanh nhân quyền lực của REE: “Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Người đàn bà thép và những chiến lược táo bạo

Bà Ninh Thị Ty – “Vá”lại những doanh nghiệp dệt may

Bà Ninh Thị Ty – Chủ tịch HĐQT công ty CP may Hồ Gươm, may Chiến Thắng, là người phụ nữ đầu tiên của ngành này được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Hiện hệ thống các nhà máy thuộc công ty cổ phần may Hồ Gươm và công ty may Chiến Thắng được phủ khắp các tỉnh như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn…

Theo số liệu của May Hồ Gươm, xuất sang Mỹ của Cty này năm qua chiếm khoảng 50 -55% tổng kim ngạch xuất khẩu của DN, khi có TPP con số này có thể lên trên 60%.

Với những nỗ lực và sự phấn đấu không mệt mỏi, trong nhiều năm qua Bà Ninh Thị Ty đã được nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, huân huy chương. Các sản phẩm may mặc của bà luôn được đầu tư kĩ lưỡng để có chất lượng tốt nhất xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu.

Ngoài lĩnh vực dệt may, bà Ty còn là Chủ đầu tư Tổ hợp Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza.

Bà Ninh Thị Ty – “Vá

Bà Trương Thị Lệ Khanh – “Nữ hoàng” ngành thủy sản Việt Nam

Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961, quê tại An Giang, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, bà Khanh vào làm việc ở Sở Tài chính An Giang

Chỉ 3 năm sau, bà được cử làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Đến năm 1997, sau khi giữ nhiều chức vụ quan trọng tại những đơn vị khác nhau, bà ra riêng thành lập Vĩnh Hoàn.

Dưới sự lãnh đạo của bà Khanh, Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ vào năm 1997 đã trở thành công ty phát triển vượt bậc trong ngành thủy sản bằng mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng và sản xuất xuất khẩu.

Hiện, bà Khanh đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 những người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán và là người giàu nhất ngành thủy sản năm 2015.

Vĩnh Hoàn đang xúc tiến nhiều dự án mới về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo, collagen với sự ra đời của các công ty con làm tiền đề cho sự mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính…

Bà Trương Thị Lệ Khanh – “Nữ hoàng” ngành thủy sản Việt Nam

Tô Mạn
Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn: http://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/nhung-nu-hoang-day-quyen-uy-tren-thuong-truong-viet-nam-20160307112854315.chn

Chia sẻ bài viết: